Đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe là khâu đầu tiên và cực kỳ quan trọng để kiểm soát chất lượng, an toàn giao thông. Nhiều người cho rằng lái xe khách không được đào tạo tốt về đạo đức lái xe, điều này khiến chất lượng vận tải khách giảm sút. Báo GTVT có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Quyền - Phó cục trưởng Cục Đường bộ VN về vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết việc đào tạo nghề và sát hạch cấp bằng lái xe có sự quan tâm cân đối giữa đào tạo tay nghề và giáo dục đạo đức nghề nghiệp? Đối với đào tạo người lái xe chở khách, quy định và chương trình đào tạo có gì đặc biệt?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Nội dung, thời lượng chương trình đào tạo lái xe hiện nay được Bộ GTVT quy định tại Thông tư số 07/2009/TT - BGTVT. Quy định này được kế thừa, có điều chỉnh, bổ sung từ các quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật GTĐB năm 2001, đáp ứng được yêu cầu thực tế và phù hợp với nội dung, chương trình, thời lượng đào tạo lái xe của nhiều nước đang áp dụng...
Trong chương trình đào tạo lái xe, ngoài các môn học về Luật GTĐB, Kỹ thuật sửa chữa xe, Thực hành lái xe, còn có môn học Đạo đức người lái xe. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là đạo đức nghề nghiệp của người lái xe không phải chỉ được hình thành theo nội dung chương trình môn học này.
Việc hình thành đạo đức nghề nghiệp còn dựa trên cơ sở đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe và quá trình học hỏi, rèn luyện của người lái xe. Ngoài ra, công tác quản lý giáo dục của doanh nghiệp, của tổ chức xã hội nghề nghiệp trong quá trình hành nghề của người lái xe cũng rất quan trọng.
Nội dung đào tạo đối với lái xe chở khách đã quy định rõ và chỉ thực hiện đào tạo chuyển hạng từ xe con hoặc xe tải lên xe khách cho những người có đủ thâm niên và số km lái xe an toàn. Người học chuyển hạng vẫn phải tiếp tục học môn học Đạo đức người lái xe, theo hướng nâng cao hơn so với nội dung môn học này ở chương trình đào tạo lái xe con, xe tải.
Để tạo tiền đề nâng cao đạo đức nghề nghiệp người lái xe khách, Thông tư 07/2009/TT- BGTVT cũng quy định điều kiện văn hóa của người lái xe khách hạng D, E phải có trình độ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.
PV: Việc tuân thủ các quy định của pháp luật về chương trình, nội dung đào tạo lái xe, đặc biệt các giờ học về đạo đức người lái xe có được các cơ sở đào tạo thực hiện nghiêm túc?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Gần đây, việc thực hiện nội dung, chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo lái xe có nhiều tiến bộ so với trước. Điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện thực hành được quan tâm đầu tư. Các Sở GTVT thực hiện công tác kiểm tra thường xuyên việc thực hiện chương trình, nội dung đào tạo. Trước khi được sát hạch, các cơ sở đào tạo phải kiểm tra đủ 5 môn học và cấp chứng chỉ nghề cho người học. Các bài kiểm tra này phải lưu trữ để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra.
Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra, chúng tôi nhận thấy trong quá trình đào tạo một số nội dung thuộc về lý thuyết, một số cơ sở thực hiện theo kiểu hình thức, sơ sài, chưa có giáo viên có kinh nghiệm và tâm huyết dạy môn học này. Người học cũng còn chưa quan tâm đúng mức đến môn học về Đạo đức lái xe, nên kết quả đào tạo còn hạn chế.