Tin tức & Sự kiện

Chuyện với lái xe Hoàng Long trên đường xuyên Việt

Tuổi cao, huyết áp phập phù, mỗi khi có việc vào Nam, tôi thường đi tầu hỏa. Đầu tháng 7/2008, vé tàu khó khăn; nghe vợ vận động mãi, tôi đành liều đi Thành phố Hồ Chí Minh bằng xe giường nằm có máy lạnh của công ty Hoàng Long. Tuy toillet trên xe chưa tốt lắm, nhưng tin tưởng ở sự tiện lợi của “Hãng hàng không trên mặt đất”, tôi quyết định trở về Ninh Bình bằng xe Hoàng Long.


 

Chuyện với lái xe Hoàng Long trên đường xuyên Việt
 
 

 

 

9 giờ sáng ngày 10/7/2008, xe rời bến miền Đông, thấy cháu ngoại tôi (9 tuổi), nằm giường tầng hai, người lái xe hỏi: “Thượng đế nhỏ có thích nằm tầng một không ?” thắng bé thích chí cười, mắt sáng long lanh... Anh lái xe vui vẻ phân trần với mọi người: Đây là vị trí công ty dành cho lái xe nằm nghỉ, nhưng tất cả vì tương lai con em… Rồi anh hỏi tiếp: “Học lớp mấy rồi? Đố cháu làm được bài toán này “Bây giờ đến 0 giờ ngày mai bằng 1/3 thời gian từ bây giờ đến 0 giờ ngày hôm nay. Hỏi bây giờ là mấy giờ ?”.

 

Tôi hết sức ngạc nhiên, vì chưa khi nào gặp người lái xe quan tâm đến học hành của trẻ em nhiệt tình đến thế. Sau khi bắt chuyện, tôi nhận ra anh không chỉ đạt danh hiệu lái xe giỏi mà con có tâm hồn nghệ sĩ. Hay làm thơ và có thơ đăng báo, tác phẩm của anh vừa bình dị, vừa có chiều sâu triết lí của người hiểu đạo Phật. Qua con mắt lái xe – thi sĩ, con đường xuyên Việt càng thêm diễm lệ, đáng yêu. Hình như chuyện gì anh cũng có thể viết thành thơ; Giới thiệu gia đình, anh đọc : “Một vườnrộng, một ao sâu, Một vợ, bốn con, một nhà lầu”. Tôi cười, lãng mạn như anh mà “một vợ” thì chả ai tin. Anh thề sống thề chết và khẳng định chưa bao giờ bén bảng đến nơi đào hoa phù phiếm; ở đấy làm sao tìm được tri âm tri kỉ. Thì ra anh này cao đạo thật! Phải chăng lái xe Hoàng Long nhờ được học tập, chọn lựa riêng nên phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn cũng có khác...

 

Thấy đường rộng, vắng vẻ… mà xe vẫn bò 40 km/ giờ, tôi hỏi anh : Sao không tăng tốc đến Kì Anh ăn cơm trưa cho ngon; anh cười : nhiều đoạn đường, giờ cao điểm đông người tham gia giao thông, có biển hạn chế tốc độ. Giữa trưa, nửa đêm vắng vẻ cũng không được vượt qua 40 km/giờ. Mấy “anh hùng núp” hay nhè những hoàn cảnh này mà mai phục để thành “dũng sĩ diệt lái xe”. “Dính quả tốc độ là về tay không” – chả còn đồng nào nộp sản cho bà xã…” Anh bảo: Hạn chế tốc độ khi không cần thiết vừa lãng phí xăng dầu, thời gian, hư hao máy móc, khiến cho lái xe dại chân dại tay… “Có đoạn đường nào, cơ quan chức năng cho chạy thoải mái ?” – tôi hỏi. Có, có chứ… Đoạn đỉnhđèo Phú Gia đó, xe khách có thể chạy tới tốc độ 70 km/giờ. Nhưng với những cua tay áo nối tiếp nhau… chẳng lái xe nào có gan đi với tốc độ đó.

 

Qua trò chuyện, tôi thấy hình như thu nhập của lái xe Hoàng Long còn khó khăn; cầm vô lăng chọn vẹn hai chiều Bắc Nam, mỗi người được nhận 1,2 triệu. Một tháng đi bốn chuyến (24 ngày), lương chưa nổi 5 triệu đồng. Lúc đầu, một số lái xe định vớt khách trên đường .Việc ấy liền bị “thanh tra nó vồ…” (một ý thơ của anh). Thanh tra công ty có mặt khắp nơi. Xe đến tỉnh nào, thanh tra đều chốt số lượng. Với cam kết: “Quý vị nào phát hiện xe Hoàng Long chở quá tải, hãy gọi cho số điện thoại…. Tất cả khách trên xe sẽđược miễn phí”, lái xe Hoàng Long lo nhất việc giao nhận khách lầm lẫn, dẫn đến quá tải. Nhờ vậy, mấy năm nay, xe Hoàng Long không bao giờ chở vượt số người quy định. Trong khi đó, quá tải là vấn nạn phổ biến khắp nơi; bao nhiêu lực lượng quản lí an toàn giao thông vào cuộc mà không ngăn chặn được. Có những xe 45 chỗ ngồi chở tới gần trăm khách lớn nhỏ. Tôi nghĩ, còn hiện tượng kinh doanh vận tải nhỏ lẻ thì tai nạn giao thông còn cao. Không nên cứ có xe, có lái là được phép kinh doanh vận tải khách. Hình thức kinh doanh nay nên được coi là ngành đặc biệt; vì nó liên quan đến sinh mạng con người. Hơn nữa thời gian tham gia giao thông lại chiếm phần lớn trong đời người ngắn ngủi.

 

Từ cuộc nói chuyện thú vị với lái xe Hoàng Long, tôi nghĩ đến con đường lớn của ngành vận chuyển hành khách nước nhà trên xu hướng hội nhập. Thành lập những công ty lớn chuyên vận chuyển hành khách, hàng hóa là một trong những biện pháp tốt để góp phần bình ổn giá cả, bảo đảm trận tự, an sinh xã hội, giảm thiểu tai nạn giao thông.

 

Văn Hiến


Các tin khác